Bảng tin
Mỹ nhân xứ Huế – Bóng giai nhân của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Ngày: 12/05/2021, Nguồn: tuoitre.vn
“Chiều nay còn mưa sao em không lại”
Còn nhớ trong một sự bất ngờ tối 12-3-2010, dân Huế kháo nhau đi xem mặt “Diễm xưa”. Nhiều người trong tâm trạng đến xem Diễm có thật hay chỉ là huyền thoại.
Cuộc gặp gỡ tại Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán hôm ấy thật ấm áp, nhân vật của “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ” chia sẻ nhiều kỷ niệm thuở thiếu thời về chàng nhạc sĩ đứng trước hiên gác nhỏ ngóng trông “bước chân em xin về mau”.
Đó là bà Ngô Vũ Bích Diễm hoạt động trong ngành công tác xã hội vừa từ Mỹ về thăm Huế, trông vẻ mặt, cung cách và dáng hình bà lúc ấy không khó hình dung giai nhân kiều diễm mấy mươi năm trước khiến nhạc sĩ si tình…
Bà Bích Diễm giới thiệu mình sinh ra ở Hà Nội, theo cha vào Huế từ nhỏ, cha dạy ở Trường Quốc Học. Hồi đó, khoảng năm 1959-1960, Diễm mỗi ngày qua cầu Phủ Cam, đi bộ dưới hàng long não trước tòa Tổng giám mục Huế để đến Trường Đồng Khánh.
Cô nào hay biết trên hiên gác nhỏ có chàng nhạc sĩ nghèo luôn dõi theo dáng hình lẫn những bước chân kia. Người cùng thời là nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân kể về Diễm lúc ấy: “Người dong dỏng cao, nét mặt thanh tú, bước đi thong thả, nhẹ nhàng.
Con người của Diễm rất hợp với cái tên Diễm và cũng thích hợp với tâm hồn bén nhạy của Trịnh Công Sơn. Anh yêu Diễm mê mệt. Những ngày không thấy Diễm đi qua anh đau khổ vô cùng. Anh trông thấy con đường trước nhà “dài hun hút cho mắt thêm sâu”. Nhưng anh cũng biết gặp Diễm để nói lên nỗi đau ấy không phải là chuyện dễ”.
Bà Diễm chia sẻ: “Tôi có người bạn thân là Nguyễn Việt Hằng quen với anh Đinh Cường, và mùa hè năm đó ở lại nhà tôi để học hè. Đinh Cường lúc đó qua thăm cô Hằng, anh Sơn đi cùng và gặp gỡ tại nhà tôi. Sau đó thấy anh Sơn quay trở lại, anh viết nhạc và anh có tặng tôi mấy bài. Hồi đó còn trẻ lắm nên cũng biết lơ mơ vậy thôi. Thời gian đầu chưa có bài Diễm xưa, sau này mới có”.
Người đẹp cũng cho rằng: “Tôi rất yêu mến bài hát đó. Tuy nhiên, trong bài này nếu mọi người để ý thì dường như anh Trịnh Công Sơn viết về vẻ đẹp của Huế nhiều hơn là về… tôi. Tôi nghĩ vậy. Đó là bóng dáng của Thành nội cổ kính, của dòng sông Hương xanh mát và huyền hoặc, là không khí lãng đãng của thơ, của nhạc, anh Sơn đã truyền đạt mọi cái trong đó”.
Bà Bích Diễm nói mình nằm trong số rất nhiều bóng hồng đi qua cuộc đời nhạc sĩ. Trong đó có cả người em ruột Ngô Vũ Dao Ánh. Nhưng có một điều người đẹp có thể không biết, mà nhà văn Bửu Ý lại biết rõ: Bích Diễm từ thủa ban đầu đã đi vào tâm khảm nhạc sĩ tài hoa suốt đời không phai.
Anh nghe buồn mình trên ấy
Trong những ca khúc ghi “dấu ấn cuộc tình”, nhạc sĩ họ Trịnh thường “lồng” người đẹp vào những chi tiết mà chỉ có những người rất thân thiết, biết rõ câu chuyện và thật tinh tế mới nhận ra.
Đó có thể Chuyện đóa quỳnh hương về nàng Lan Hương trong ca khúc Quỳnh hương, hay Biển nhớ có nàng Bích Khê thành “Trời cao níu bước Sơn Khê”… Với ca khúc Nhìn những mùa thu đi, trong một giai điệu mượt mà, cũng thấp thoáng thướt tha dáng hình người đẹp.
Nhà văn Bửu Ý kể hồi đó Trịnh Công Sơn rất thân với danh ca Hà Thanh, thường hay ghé nhà gần ga Huế để chuyện trò và trao đổi âm nhạc. Hà Thanh vốn có mấy cô em gái đều rất xinh đẹp, đặc biệt là nàng Phương Thảo, và đó cũng là mục đích chính của chàng nhạc sĩ họ Trịnh.
Nói về người đẹp Phương Thảo, nhà nghiên cứu Bửu Ý còn nhớ mãi nỗi lòng của những chàng trai Trường Quốc Học khi nhìn thấy cô nàng từ Trường Đồng Khánh trên đường đi bộ về nhà.
“Vệ đường Lê Lợi với hai hàng long não cổ thụ tuyệt đẹp, o Phương Thảo đi bộ trên con đường nớ hắn đẹp lạ. Người dong dỏng, đi guốc mộc, quai nón đỏ hồng ửng lên trên mặt hồng hào, đẹp dễ sợ lắm. Vẻ đẹp của Phương Thảo xứng đáng là biểu tượng của con gái Huế” – ông kể.
Trong một lần ghé trao đổi chuyện nhạc với Hà Thanh, cho dù không nhìn thấy nhưng chàng nhạc sĩ đa tình nhận biết sự xuất hiện của người đẹp đang ở sau lưng mình. “Lần đó Sơn thú thật với tôi là khi đang ngồi chuyện trò với Hà Thanh nhưng anh vẫn biết có Phương Thảo đứng sau lưng mình.
“Làm răng toi (bạn) biết?” – Bửu Ý hỏi. “Moi (tôi) bắt được mùi hương của Phương Thảo” – Sơn trả lời. Đúng là người con gái đẹp tỏa hương, khi đến gần thì mùi hương đó đến trước, chính mùi hương ấy mà Trịnh Công Sơn không nhầm lẫn Phương Thảo với những người em gái khác của Hà Thanh” – ông Ý kể.
Trịnh Công Sơn chưa từng dám thổ lộ tình cảm với Phương Thảo. Theo một người bạn thân thiết của Trịnh, Phương Thảo chính là bóng hồng trong “hàng cây đưa em đi về giọt nắng nhấp nhô” của ca khúc Gọi tên bốn mùa, và “màu nắng hay là màu mắt em” trong ca khúc Nắng thủy tinh.
Về sau, khi người đẹp sang ngang với một người chức cao, bộ trưởng giáo dục đương thời, người nhạc sĩ chỉ còn biết tỏ nỗi lòng kín đáo “anh nghe buồn mình trên ấy” trong ca khúc Nhìn những mùa thu đi độc đáo…
Từ trăng thôi là Nguyệt
Nhạc Trịnh có một ca khúc mà cả nhạc lẫn lời nghe ra cứ “sắc sắc không không” như bài kinh, bài kệ nhà Phật vô cùng đặc biệt: Nguyệt ca. Nhiều người biết, bóng hồng đó chính là Nguyễn Thị Minh Nguyệt hiện đang ở Pháp. Bà Minh Nguyệt nhà ở Vỹ Dạ, cách nhà người đẹp Kim Cúc của thi sĩ Hàn Mặc Tử không xa.
Dường như chính dải đất thơ ven sông Hương đã hun đúc cho người con gái Minh Nguyệt nét đẹp nhẹ nhàng, đoan trang, thùy mị kiểu rất Huế, với một ánh mắt mơ màng làm đắm say lòng Trịnh một thời.
Người bạn thân của Trịnh Công Sơn là Đặng Ngọc Vịnh kể khoảng năm 1969, ông đang dạy luyện thi ở Trường Hưng Đạo (Huế), sau hai suất kéo dài đến tối, Trịnh Công Sơn và Bửu Ý thường chờ trước cổng để qua Cercle bên sông Hương uống rượu.
“Trong lớp lúc đó bàn đầu có Minh Nguyệt, Anh Thoa, Bảo Thiều, Minh Minh. Buổi cuối khóa, tôi mời Trịnh Công Sơn vào hát chiêu đãi học trò. Tôi hát bài Ngậm ngùi của Phạm Duy phổ thơ Huy Cận, còn anh Sơn hát bài Mưa hồng. Cả lớp thích lắm, anh Sơn và Minh Nguyệt quen nhau kể từ đó” – ông Vịnh kể.
Trịnh Đông Thư, người cháu gọi Trịnh Công Sơn bằng bác, viết: “Bài hát được bác tôi kể chuyện bằng ánh trăng. Trăng là nguyệt và nguyệt cũng là trăng – một điều hiển nhiên. Nhưng em là Nguyệt và nguyệt có thể chẳng phải là em, bởi lẽ trăng kia vừa mọc ấy sẽ sáng tỏ rồi lại mờ dần theo chu kỳ thời gian.
Và trong chu kỳ ấy, bác tôi lại có dịp phiêu du cùng ánh trăng, khi thì cùng trăng bay lên cao vút: “Từ khi trăng là nguyệt đèn thắp sáng trong tôi…”, rồi dạo chơi trong vườn trăng: “Từ khi trăng là nguyệt vườn xưa lá xanh tươi…”. Và trăng kia cũng là em đó! Bác tôi đã viết dành cho một người và cũng để tặng mọi người”…
Thái Lộc