Bảng tin
Di sản Trịnh Công Sơn và cuộc chuyển giao cho thế hệ trẻ
Date: 1/4/2019, nguồn: vietcetera
Người trẻ tại tòa soạn chúng tôi lớn lên cùng nhạc Trịnh. Ông dạy chúng tôi thương người, yêu đất nước. Ông là nguồn cảm hứng để chúng tôi tiếp tục kể câu chuyện Việt Nam với bạn đọc trên toàn thế giới.
Nhân ngày giỗ cố nghệ sĩ, chúng tôi tìm đến ngôi nhà mà cố nhạc sĩ từng sống khi còn ở Sài Gòn để thăm hỏi gia đình. Ngồi xuống cùng em gái ông, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, chúng tôi ôn lại ký ức về anh trai bà và mối lương duyên của ông với Nhật Bản. Bà cũng kể chúng tôi nghe trải nghiệm Google Doodles vinh danh cố nhạc sĩ, và dự định của gia đình trong việc chuyển giao di sản văn hóa Trịnh Công Sơn tới thế hệ trẻ.
Ngoài 236 ca khúc đã được công bố, gia đình có dự định gì với gần 400 ca khúc còn lại? Vì sao trước giờ những ca khúc này chưa có dịp được đến với đông đảo công chúng yêu nhạc Trịnh?
236 ca khúc của anh Sơn có giấy phép nên đã được thu âm, biểu diễn, phát thanh. 400 ca khúc còn lại chưa được cấp phép, nhưng ở ngoài kia người dân vẫn tự hát cho nhau nghe. Bộ Văn Hóa chia sẻ rằng cơ chế mới thoáng hơn, sẽ mở lối cho những ca khúc đó. Gia đình tiếp tục đối thoại với họ và mong nhận được những kết quả cụ thể để mọi người được thưởng thức nhiều tác phẩm hơn của anh Sơn.
Trong 400 ca khúc này, một vài bài anh Sơn đang viết dở hoặc viết xong mà chưa hài lòng, nhưng không còn cơ hội viết tiếp. Gia đình có ý định mời thế hệ trẻ tiếp tục sáng tác và trình bày.
Được biết đến là một nghệ sĩ đa tài, ngoài các ca khúc, cố nhạc sĩ còn để lại những di sản nào?
Anh Sơn yêu sáng tác, dù là thơ, nhạc, văn, hay tranh. Một số người cho rằng anh còn là một nhà tiên tri vì lời ca của anh như đọc trước được tương lai.
Anh viết: “Ðêm nay hòa bình sao mắt mẹ chưa vui.” Có người nói anh đã biết trước sự thoái trào đạo đức hiện nay, khi xã hội không còn tiếng súng nhưng vẫn nhiều đau thương. Có lẽ anh đã thấy được viễn cảnh khủng hoảng văn hóa nơi từng ngày báo chí đưa tin giết chóc, bạo hành, và niềm tin giữa người với người dần mất đi, nên kêu gọi mọi người “dựng lại người, dựng lại nhà”.
Trong gia đình, những di sản của cố nhạc sĩ được lưu giữ như thế nào?
Anh Sơn thích cho đi. Hồi còn sống anh vẽ tranh, làm thơ xong hầu hết mang tặng mọi người, nên di sản của anh ngoài kia còn nhiều lắm. Khi anh mất, nhiều người còn giữ mảnh giấy, bức hình anh tặng đã mang tới gửi lại gia đình.
Năm 2011, gia đình cùng một nhóm sinh viên tình nguyện ngồi sưu tập tất cả bài nhạc, hồi bút, tranh vẽ, thư từ, sổ tay của anh Sơn. Trong vòng 6 tháng, gia đình liệt kê được khoảng 10 ngàn danh mục.