Bảng tin

Trịnh về miền quan họ: Đêm của sự ngẫu hứng

Ngày: 25/04/2021, Nguồn: phunuonline.com.vn

 

Những giai điệu quen thuộc của Nhớ mùa thu Hà Nội vang lên, Hồng Nhung bất ngờ xuất hiện trong một vùng sáng đủ làm nổi bật chiếc áo dài màu hồng đậm duyên dáng cùng gương mặt với những nét biểu cảm tinh nghịch như cô Bống của Trịnh thuở nào.

Chưa dừng lại ở đó, trong một phút ngẫu hứng, nữ ca sĩ giao hẳn micro cho một khán giả nam để hát một đoạn nhỏ. Người đàn ông này là một liền anh hát quan họ. Nhạc Trịnh lại cho thấy được sức hút kỳ lạ, khi đứng giữa ranh giới giữa truyền thống và hiện đại trong cùng một con người.

Dĩ nhiên, giọng hát ấy không mấy vừa vặn so với giai điệu đang vang lên trên sân khấu, nhưng khán giả vẫn thích thú, vỗ tay liên tục. Người hát và khán giả trong giây phút ngắn ngủi ấy không có khoảng cách. Chính nhạc Trịnh đã xoá nhoà ranh giới đó. Một chút không tròn trịa, xù xì lại khiến mọi thứ trở nên quyến rũ hơn bởi chất đời đậm đặc.

Hồng Nhung hát giữa khán giả trong đêm nhạc
Hồng Nhung hát giữa khán giả trong đêm nhạc

Phần cuối 2 tiết mục: Huyền thoại mẹHành hương trên đồi cao, Cẩm Vân hát thật nhỏ rồi có khi im lặng hẳn để dành một khoảng trống cho khán giả. Họ nghêu ngao hát theo trong ánh nhìn đầy hạnh phúc của nữ ca sĩ. Ngay sau đó chị phải nói lời cảm ơn vì khán giả đã giúp chị thấy vô cùng hạnh phúc và thăng hoa trong đêm này.

Dĩ nhiên, những giọng ca ấy so với kỹ thuật, kinh nghiệm của Cẩm Vân sẽ thật khó để có chỗ đứng. Nhưng chúng là biểu hiện của tình yêu, điều đã nuôi nấng nhạc Trịnh trong ngần ấy năm qua, và trong rất nhiều năm nữa của tương lai. Ca sĩ một lần đứng sân khấu, hẳn ai cũng mong một hoặc nhiều lần được như thế.

Giọng hát vang, khoẻ của Cẩm Vân khiến khán giả thích thú
Giọng hát vang, khoẻ của Cẩm Vân khiến khán giả thích thú

Bất ngờ, Cẩm Vân muốn hát thêm. Tiết mục không nằm trong kịch bản. Chị đùa với nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn “hồn ai nấy giữ” vì không tập luyện trước đó. Ngẫu hứng nhưng có lẽ với bản lĩnh và kinh nghiệm có thừa, họ vẫn cập bến thành công trong tràng pháo tay giòn giã của khán giả với ca khúc kinh điển Hạ trắng.

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, ca khúc nổi tiếng của Trịnh Công Sơn với giọng ca dày, ấm nhưng vẫn có độ vang của Đức Tuấn khiến mọi người lắc lư theo. Trong niềm vui đó, họ vỡ oà khi nam ca sĩ lao thẳng xuống khán giả để nhún nhảy, bắt tay từng người. Họ, những người chưa quen biết nhau như lại thân thiết tự bao giờ chẳng hay.

Trong bóng tối, tiếng kèn saxophone của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn vang lên. Anh cũng bất ngờ xuất hiện từ trong đám đông dưới sân khấu. Mọi người xung quanh  vỡ oà rồi nhanh chóng bị cuốn theo những âm thanh đầy quyến rũ đó. Sự kết hợp giữa Cát bụiMột cõi đi về đã tạo nên một cuộc chơi đầy thú vị của âm thanh.

Một điều lạ ở khán giả nghe nhạc Trịnh, rằng họ đều biết ngôn từ trong sáng tác của ông nhiều tầng ý nghĩa, cần nhiều trải nghiệm để hát được, nhưng họ dẫu là ai, độ tuổi nào vẫn cất vang giọng theo từng giai điệu của Trần Mạnh Tuấn. Có lẽ, chất mộc mạc, gần gũi đặc trưng trong âm nhạc Trịnh Công Sơn đã khiến người ta mạnh mẽ bước qua những ranh giới được mặc định để tự do thể hiện cảm xúc, niềm yêu thích.

Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn chơi nhạc giữa đám đông khán giả
Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn chơi nhạc giữa đám đông khán giả

Sân khấu được đầu tư hoành tráng, ngỡ rằng sẽ chỉ là những tiết mục chỉn chu nối tiếp nhau, nhưng không, mọi quy tắc dường như bị phá vỡ. Hình ảnh nghệ sĩ bước lên từ phía khán giả tạo nên những khung cảnh đẹp mắt, đầy cảm xúc.

Trong một chủ đề về nhạc Trịnh được bàn luận cách đây vài năm, nhà thơ Anh Ngọc cho rằng điều thú vị tạo nên sức sống bền bỉ cho nhạc Trịnh là ông chỉ lắng nghe trái tim mình. “Một trái tim quá yêu thương, đồng cảm với người khác nên trái tim đó cháy sáng lên”, Anh Ngọc nói. Có lẽ, điều này lại càng ăn ý với cách xuất hiện đặc biệt của các nghệ sĩ.

Bao nhiêu năm qua, người ta vẫn thường tranh luận về nhạc Trịnh: phòng trà hay sân khấu lớn, khán giả bình dân hay có gu thưởng thức… Không có đúng, cũng chẳng có sai. Ngay chính trong đêm nhạc tại Bắc Ninh này, từ phía khán giả ít nhiều cũng có một sự phân hoá nhất định. Trong đó, một phần lớn là công nhân, và cũng có không ít người thuộc tầng lớp trí thức, trung lưu và hơn thế nữa.

Nhạc Trịnh sẽ đến, sống trên những vùng đất có tình yêu. Đời sống hữu hạn nhưng tình yêu thì vô cùng. Có lẽ, cũng vì thế mà 20 năm hay nhiều hơn thế nữa, nhạc Trịnh vẫn cứ thong dong rong rủi đến bất kỳ nơi đâu.

Rất đông khán giả có mặt theo dõi đêm diễn
Rất đông khán giả có mặt theo dõi đêm diễn

Nữ diễn viên người Nhật hát nhạc Trịnh

Tiết mục mở màn cho đêm diễn này là Diễm xưa với sự kết hợp của ca sĩ Phương Mai và Akari Nakatani. Trong đó, Phương Mai hát lời Việt, còn Akari Nakatani hát bằng tiếng Nhật. Theo tiết lộ, nữ diễn viên người Nhật sẽ tham gia một dự án nghệ thuật có liên quan đến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Phần trình diễn của Akari Nakatani thu hút sự chú ý của khán giả và nhận nhiều tràng pháo tay.

Akari Nakatani (trái) biểu diễn trong tiết mục Diễm xưa
Akari Nakatani (trái) biểu diễn trong tiết mục Diễm xưa

Thành Lâm

Contact Us

We're not around right now. But you can send us an email and we'll get back to you, asap.

Not readable? Change text. captcha txt
0